Nền tảng quyết định thành công của doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi các quy trình truyền thống sang các nền tảng công nghệ số yêu cầu các doanh nghiệp phải thay đổi cả về tư duy, quy trình làm việc cũng như cách thức tương tác với khách hàng và đối tác.
Trong sự dịch chuyển ấy, văn hóa doanh nghiệp (VHDN) là một "chất xúc tác" thiết yếu, là nền tảng giúp định hình cách thức làm việc và là chiếc chìa khoá quan trọng để thúc đẩy sự linh hoạt, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với cái mới nhanh chóng và tiếp sức triển khai hiệu quả.
Tại sự kiện "Sâu sắc 2023" do ICC (Internal Communication & Corporate Culture Club) - Cộng đồng Truyền thông nội bộ và VHDN vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định VHDN chính là nền tảng quyết định thành công trong thời đại số.
Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của thương hiệu, là sức mạnh cạnh tranh giúp doanh nghiệp có những lợi thế mạnh mẽ trên thương trường.Văn hóa doanh nghiệp là bản sắc riêng có, là tư tưởng và niềm tin phát triển của doanh nghiệp. Bởi vậy, VHDN luôn được coi là yếu tố khẳng định năng lực cạnh tranh, cam kết phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp. Văn hóa dẫn dắt chiến lược. Nói cách khác, doanh nghiệp muốn phát triển bền vững trong kỷ nguyên số không chỉ dựa trên đầu tư vào công nghệ, mà còn cần có sự đầu tư nghiêm túc vào việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp.
VHDN không chỉ giới hạn trong việc xây dựng môi trường làm việc tích cực, mà đó còn là hệ thống các giá trị, quan niệm và nguyên tắc hành vi được chia sẻ bên trong doanh nghiệp, chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và cách thức hành động của mỗi thành viên. Tất cả những yếu tố đó tạo nên bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp. Bởi thế trong thời đại số, VHDN trở thành một yếu tố quan trọng tạo nên sự hấp dẫn của doanh nghiệp đối với ứng viên cũng như khách hàng, đối tác.
Ông Nguyễn Đình Thành - Co-Founder Elite PR School nhấn mạnh trong thế giới đầy biến động, thời đại thay đổi, công nghệ thay đổi, khách hàng thay đổi và doanh nghiệp muốn tồn tại cũng buộc phải số hóa để theo kịp sự thay đổi từng ngày. Cơ hội chuyển đổi số để tăng hiệu suất, tối ưu hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp là như nhau, vậy đâu là yếu tố cạnh tranh của doanh nghiệp? Câu trả lời nằm ở văn hóa của mỗi doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng của thương hiệu, là sức mạnh cạnh tranh giúp doanh nghiệp có những lợi thế mạnh mẽ trên thương trường. Văn hoá doanh nghiệp chính là thứ còn lại khi doanh nghiệp gặp biến cố; là giá trị để mỗi thành viên nhìn thấy, nghe thấy, tin tưởng vào và thực hiện ngay cả khi không có sự giám sát; là niềm tin, là khung xương sống để doanh nghiệp triển khai nhanh, đúng, hiệu quả mọi kế hoạch đề ra.
Với trọng trách nặng nề ấy của VHDN, người làm văn hóa trong cơn lốc số cũng cần trang bị cho mình sự linh hoạt, xông xáo và quyết liệt để chủ động đề xuất cũng như triển khai các hoạt động giúp xây dựng và nuôi dưỡng những giá trị văn hóa trường tồn, mang lại sức mạnh bền vững cho doanh nghiệp.
Để văn hóa doanh nghiệp có thể thực sự phát huy được sức mạnh là nguồn dưỡng cho những trái ngọt thành công của doanh nghiệp, việc triển khai cần được thực hiện một cách chặt chẽ và có hệ thống.
Trước tiên, VHDN là hình thái biểu hiện cao nhất của văn hóa được lan tỏa từ người lãnh đạo, vì thế muốn làm VHDN đúng thì cần phải hiểu lãnh đạo trước tiên. Chỉ có hiểu tận gốc vấn đề thì người làm VHDN mới thấy được phần thân hay phần lá sẽ có sức sống như thế nào.
Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, thế giới biến động như hiện nay, những người làm TTNB và VHDN phải luôn tự hỏi mình, tự đặt mình vào nỗi lo của lãnh đạo. Bởi đối tượng khó kết nối nhất trong tổ chức đôi khi không phải là nhân viên mà là chính các lãnh đạo. Việc không thấu hiểu lãnh đạo dễ dẫn đến những hiểu lầm, đôi khi là sự bất lực và chán nản, thậm chí nghi ngờ về năng lực bản thân. Bởi thế, người làm TTNB và VHDN cần phải thấu hiểu lãnh đạo trước tiên để không tự biến mình thành những “nhân sự vô tâm”.
Cùng đó, khi đã hiểu đúng được những gì lãnh đạo mong muốn, hãy cùng đồng hành để lãnh đạo làm gương. Ông Lê Quang Vũ - CEO Blue C khẳng định: “Nguồn đục thì dòng không trong, gốc cong thì cây không thẳng”. Lãnh đạo luôn phải là người đi đầu trong các hoạt động, xắn tay vào cùng anh em thực hiện việc lan tỏa các giá trị đã tuyên bố.
Văn hóa doanh nghiệp là tinh thần, sức mạnh của tập thể
Văn hóa là thứ tuyệt đối không thể sao chép. Để tìm và hiểu đúng văn hóa của doanh nghiệp mình cần khám phá chính nội tại bên trong doanh nghiệp để tìm được những điều nhìn thấy, cảm nhận thấy, mọi người đều tin vào và làm theo như thói quen. Văn hóa được phản ánh qua hành động thường ngày mới là văn hóa có giá trị sát sườn chứ không phải những con chữ được in ra và nằm trên tường. Cần phải xác định, gọi tên được đúng văn hóa của tổ chức thì mới có thể nuôi dưỡng và phát triển VHDN một cách hiệu quả.
Khi đã tìm được những giá trị văn hóa đích thực của doanh nghiệp thì người làm VHDN & TTNB cần vận dụng sự linh hoạt và sáng tạo để lan tỏa văn hóa đó tới tất cả các thành viên và nuôi dưỡng dòng chảy văn hóa ấy ngấm sâu dần vào mỗi thành viên một cách tự nhiên nhất. Để việc thẩm thấu văn hóa được hiệu quả, bên cạnh sự linh hoạt người làm VHDN cũng cần phải hiểu thấu, phải tìm được điểm chạm giữa VHDN và các thành viên thông qua việc tăng cường trao đổi, đối thoại, quan tâm, phản hồi, tương tác 2 chiều.
VHDN không phải là sản phẩm của một người mà đó là tinh thần của cả một tập thể. Bởi thế việc xây dựng, duy trì và phát triển cần có sự góp sức của tất cả những hạt nhân tích cực nhất. Việc xây dựng đội ngũ nòng cốt để phát triển văn hóa, để mang văn hóa đến gần hơn với anh em là câu chuyện một cá nhân không thể làm được mà cần có những cánh tay nối dài để lan tỏa và cùng nhau hành động. Ông Bùi Thanh Hải - Giám đốc cao cấp Văn hóa & Trải nghiệm nhân viên Techcombank đã khẳng định nội dung này khi chia sẻ về việc xây dựng đội ngũ VHDN & TTNB hiệu quả tại doanh nghiệp.
Theo ông, điều quan trọng nhất vẫn là duy trì được một đội ngũ chất lượng, đủ thấu hiểu, đủ nhiệt thành để sẵn sàng xông pha. Và đặc biệt, đội ngũ này phải là những người có được thông tin sớm nhất.
Cuối cùng, các chuyên gia tại sự kiện cho rằng VHDN được phản ánh qua từng trải nghiệm của nhân viên. Bởi thế, xây dựng trải nghiệm nhân viên tích cực bám vào các giá trị cốt lõi là một trong những cách thức xây dựng VHDN bền vững.
Bà Trần Hồng - CEO & Founder ACEX nhấn mạnh đến yếu tố trải nghiệm nhân viên và VHDN có mối quan hệ vô cùng chặt chẽ. Trải nghiệm nhân viên chỉ thực sự tốt khi những điều mà doanh nghiệp tuyên bố đều được hiện thực hóa trong các hoạt động thường ngày và chính nhân viên là người được trải nghiệm. Một doanh nghiệp hướng tới văn hóa sáng tạo nhưng lại bó hẹp nhân viên trong một mớ quy trình, hay doanh nghiệp muốn thúc đẩy sự linh hoạt nhưng nhân viên phải trải qua quá trình phê duyệt 4-5 cấp mới được triển khai một hoạt động rất nhỏ.
Theo đó, VHDN chỉ thực sự bền vững khi được gắn với giá trị cốt lõi và được thể hiện một cách nhất quán bằng hành động. Doanh nghiệp cần biết cách tích hợp vặn hóa vào các điểm chạm trong hành trình trải nghiệm nhân viên để văn hóa thực sự được lan tỏa và để trải nghiệm nhân viên được bám rễ lên văn hóa một cách có chủ đích.
VHDN trong thời đại công nghệ số tạo ra một môi trường làm việc đáng mơ ước, thúc đẩy sự phát triển cá nhân và sáng tạo, và giúp các doanh nghiệp có được lợi thế cạnh tranh và thành công trên thị trường. Tuy nhiên, việc quản lý VHDN trong thời đại số không thiếu những thách thức, từ việc duy trì tính nhất quán trong môi trường làm việc đa dạng đến việc đảm bảo an toàn thông tin trong các mô hình làm việc từ xa. Song đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp thiết lập sự độc đáo, thu hút tài năng và xây dựng một đội ngũ linh hoạt và sáng tạo.
Bằng cách tạo ra một môi trường làm việc tích cực và linh hoạt, doanh nghiệp không chỉ thu hút nhân sự xuất sắc mà còn định hình sự đổi mới và phát triển. Xây dựng văn hóa doanh nghiệp vững chắc trong thời đại số là chìa khóa để mở ra cánh cửa của sự thành công bền vững trong tương lai.